Thứ Năm, 10 tháng 4, 2014

Giả danh cơ quan pháp luật để lừa tiền - Phương thức táo tợn hơn


Liều lĩnh nhận tiền trực tiếp

Kết quả điều tra những đường dây giả danh công an lừa đảo (do các đối tượng người Đài Loan cầm đầu) bị triệt phá trước đây cho thấy sau khi đe dọa người bị hại rằng có liên quan đường dây phạm tội đanh bị điều tra, các đối tượng trong đường dây buộc người bị hại chuyển tiền vào tài khoản do bọn chúng chỉ định rồi chiếm đoạt. Thế nhưng, sau khi các phương tiện truyền thông cảnh báo người dân về thủ đoạn này, các đối tượng chuyển sang thủ đoạn mới tinh vi và liều lĩnh hơn, đó là cử người giả danh cán bộ của viện kiểm sát đến gặp người bị hại trực tiếp nhận tiền mặt, đồng thời đưa giấy xác nhận đã nhận tiền để người bị hại tin tưởng, không trình báo cơ quan công an.


Hôm qua 10-4, các điều tra viên của Đội 8 Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) – Công an TPHCM mời một số người bị hại đến cung cấp lời khai. Chị P.T.T.T. (ngụ quận Tân Bình, một trong số những người bị hại) cho biết: vào ngày 4-4 chị nhận được một cuộc điện thoại gọi vào số máy điện thoại bàn thông báo chị nợ cước điện thoại hơn 8 triệu đồng.


Khi chị T. tỏ vẻ nghi ngờ, đầu dây bên kia yêu cầu chị bấm tiếp số 9 gặp nhân viên tổng đài để được giải thích rõ. Làm theo lời chỉ dẫn, chị T. được cho biết không chỉ nợ cước điện thoại, chị còn liên quan một đường dây mua bán ma túy, rửa tiền vừa bị Công an tỉnh Tây Ninh khám phá. Tiếp theo, chị T. được chuyển máy gặp một người tự xưng tên là Lê Việt Hùng – cán bộ Công an tỉnh Tây Ninh và Nguyễn Bích Phượng – cán bộ Viện KSND TPHCM.


Những người này khẳng định chị có liên quan đến hoạt động phạm tội, yêu cầu chị chuyển 600 triệu đồng vào tài khoản số 060080178908 do Nguyễn Hoàng Sơn đứng tên mở tại Ngân hàng Sacombank để giám định số tiền này có phải là tiền phi pháp hay không. Chiều 4-4, khi chuyển tiền, chị T. nghi ngờ mình bị lừa đảo nên vội đến Công an quận Tân Bình trình báo. Do vậy, tài khoản của chị được kịp thời phong tỏa, tiền chưa bị chiếm đoạt.


Ngày hôm sau 5-4, đối tượng nữ xưng tên Nguyễn Bích Phượng gọi điện thoại yêu cầu chị T. chuyển tiếp 200 triệu đồng để giám định. Chị T. không đồng ý chuyển tiền qua tài khoản, người tên Phượng đề nghị sẽ cử nhân viên của mình đến gặp chị T. nhận tiền trực tiếp.


Sau nhiều lần hẹn địa điểm giao nhận tiền, 12 giờ cùng ngày, tại một địa điểm trên đường Lý Thường Kiệt phường 8 quận Tân Bình, khi Yang Ti An đang nhận 200 triệu đồng từ chị T. thì bị lực lượng công an bắt quả tang. Lúc này, trên người Yang Ti An có đeo thẻ giả ghi Viện Kiểm sát nhân dân TPHCM.


Không nên làm việc qua điện thoại


Tại cơ quan điều tra, Yang Ti An khai nhận tham gia đường dây lừa đảo thông qua việc lừa người khác chuyển tiền vào tài khoản, sau đó rút ra chiếm đoạt do A Xương cầm đầu. Ngày 2-4, A Xương cử Yang Ti An sang Việt Nam gặp một vài đối tượng người Đài Loan nằm trong đường dây để những đối tượng này tiếp tục hướng dẫn hoạt động.


Sáng 5-4, đồng bọn gửi cho Yang Ti An thông tin và hướng dẫn điền vào “Biên bản kiểm chung tài sản” (là biên bản kiểm chứng tài sản, nhưng viết sai chính tả – PV) với tên là P.T.T.T., địa chỉ ở phường 6 quận Tân Bình.


Sau khi mặc quần áo vest, đeo cà vạt, mang thẻ giả mạo nhân viên Viện kiểm sát nhân dân TPHCM có gắn hình của mình, Yang Ti An đến địa điểm đã hẹn để nhận 200 triệu đồng từ chị T. thì bị bắt quả tang. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, các điều tra viên của Phòng PC46 – Công an TPHCM bắt khẩn cấp Nguyễn Hoàng Sơn, đối tượng có hành vi mở 4 thẻ ngân hàng để cung cấp cho đường dây lừa đảo với giá 2 triệu đồng/thẻ. Chỉ trong ngày 4-4, đã có khoảng 1,2 tỷ đồng của người dân bị lừa đảo chuyển vào một trong bốn thẻ tài khoản do Sơn đứng tên.


Cơ quan Cảnh sát Điều tra – Công an TPHCM một lần nữa đề nghị người dân nâng cao cảnh giác với những cuộc điện thoại lừa đảo bằng phương thức trên. Người dân cần biết: Công ty Viễn thông Việt Nam không thông báo nợ cước qua điện thoại, do đó khi nhận các cuộc gọi thông báo nợ cước, người dân phải lập tức từ chối thông tin cuộc gọi.


Ngoài ra, theo quy định, các cơ quan bảo vệ pháp luật khi mời công dân đến làm việc đều phải có giấy mời hoặc giấy triệu tập, không làm việc thông qua điện thoại. Việc thu giữ tài sản, tiền bạc… của cá nhân, tổ chức liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật được thực hiện bằng quyết định và biên bản đúng quy định.


Để không trở thành người bị hại của loại tội phạm này, cơ quan công an đề nghị người dân không cung cấp số điện thoại, giấy tờ cá nhân, thông tin về tài khoản cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào khi chưa biết rõ họ là ai. Nếu nghi vấn hoặc phát hiện các đối tượng, tổ chức tham gia hoạt động lừa đảo phải báo ngay cho cơ quan công an gần nhất.


Những trường hợp chủ tài khoản ngân hàng đã cho mượn, cho thuê hoặc bán thẻ ATM, Visa card cho người khác cần tự kê khai lại thông tin tài khoản ngân hàng, kiểm tra lại việc giao dịch, nếu thấy có nghi vấn cần báo ngay cho cơ quan công an để tránh tiếp tay cho tội phạm.


Trường hợp không kiểm soát được số thẻ ATM hoặc VisaCard của mình nhưng do người khác đang sử dụng, cần làm ngay các thủ tục thanh lý để tránh hậu quả. Cơ quan điều tra phát hiện cá nhân nào che giấu hoặc không tố giác tội phạm sẽ xem xét, xử lý về mặt hình sự.





Liên quan đến hoạt động lừa đảo này, đến nay Phòng PC46 – Công an TPHCM đã triệt phá 7 đường dây, khởi tố 27 đối tượng (trong đó có 5 người Đài Loan) về các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Phía cảnh sát Đài Loan cũng triệt phá hai đường dây lừa đảo với phương thức tương tự, bắt giữ nhiều đối tượng, trong đó có hàng chục người Việt Nam có liên quan.


ÁI CHÂN





xalo.vn – News



Giả danh cơ quan pháp luật để lừa tiền - Phương thức táo tợn hơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét