Thứ Năm, 31 tháng 7, 2014

Thương mại điện tử Việt và những câu chuyện “từ làng ra phố”


Nồi Cá kho “phủ sóng” khắp tỉnh thành nhờ có Internet


Món cá kho Hà Nam đã trở nên nổi tiếng nhờ có Internet.


Món cá kho Hà Nam đã trở nên nổi tiếng nhờ có Internet.


Cá kho được biết đến như món ăn đặc sản của ẩm thực truyền thống Việt Nam. Đây cũng là món ăn có mặt trong bữa cơm hằng ngày của người Việt. Và ngôi làng nổi tiếng lâu đời nhất của món đặc sản này chính là làng Vũ Đại, tỉnh Hà Nam. Người dân trong làng ai cũng sinh sống và buôn bán Cá Kho. Vị ngon đặc trưng của món ăn không chỉ do nguyên liệu ngon, mà còn bởi cách nấu, cá được om trong nồi đất giúp bảo quản lâu. Để đảm bảo chất lượng tốt nhất, mọi thành phần đều được làm thủ công ngay từ những chiếc nồi đất om cá.


Gia đình ông Trần Bá Luận nổi tiếng lâu đời trong làng với nghề Cá Kho. Từ năm 1998, vì những mưu sinh trong cuộc sống để nuôi 2 con ăn học tại Hà Nội. Ông Luận đã mạnh dạn tìm cách quảng bá món ăn đến với người tiêu dùng cả nước, và con trai ông Trần Bá Luận đã lập ra trang web cách đây khoảng 4 năm, nhưng hầu như không có mấy ai biết tới. Hai năm sau, gia đình ông Luận đã tìm đến công cụ quảng cao trực tuyến nổi tiếng của Google để thực hiện kế hoạch mở rộng đối tượng khách hàng. Trong những tháng đầu tiên doanh thu tăng cao lên tới 50%. Sau một vài tháng, món ăn đã tạo nên dấu ấn trên phương tiện truyền thông cả nước, như đài truyền hình quốc gia, kênh VTV, đã đưa một phóng sự lớn.


“Những đơn hàng tiếp tục gia tăng. Có những mùa, đơn hàng đặt vượt quá cung ứng cho phép. Gia đình phải thuê thêm nhân công. Nhiều du khách cũng ghé thăm làng, đặc biệt là tới thăm gia đình ông Trần Bá Luận, để xem cách nấu món đặc sản và tự mình thưởng thức vị ngon nổi tiếng của Cá Kho Làng Vũ Đại, ông Luận chia sẻ tại Hội thảo “Doanh nghiệp nhỏ, Tư duy lớn” do Cục Thương Mại Điện tử & CNTT (Bộ Công Thương) phối hợp cùng Google tổ chức sáng 30/7.


Không may mắn như gia đình ông Luận là đã có nghề gia truyền, anh Đỗ Tiến Hiếu (TPHCM), chủ công ty Bảo Vệ 36A. Khi lần đầu tiên rời quê nhà Thanh Hóa đến TPHCM, anh Đỗ Tiến Hiếu hoàn toàn tay trắng, theo lời anh nói, “không tiền, không quan hệ, không có gì”.


Sau một thời gian ngắn làm việc tại một trường trung học, anh Hiếu cùng một người bạn thành lập công ty Bảo Vệ 36A vào năm 2012. Vào lúc đó, hai anh cũng chính là nhân viên duy nhất của công ty. Hai năm sau đó, từ một dịch vụ an ninh bắt đầu từ số 0, anh Hiếu hiện giờ là chủ một trong các công ty bảo vệ hàng đầu ở Việt Nam, với hơn 750 nhân viên.


Không nhiều quan hệ, anh Hiếu biết cách duy nhất tiếp cận khách hàng là làm tiếp thị, nhưng anh không có nhiều ngân sách. Cơ duyên đến với anh khi anh được biết về quảng cáo online, và cuối cùng anh dã thành công với việc đưa hình ảnh của công ty lên Internet và dược nhiều người biết đến.


Mặc dù công ty Bảo Vệ 36A chỉ mới 2 năm tuổi, nhưng công ty đã mở rộng ra các thị trường lân cận bao gồm cả Campuchia. Ước mơ của anh Hiếu mong muốn cung cấp dịch vụ của mình ra nhiều thị trường trong khu vực Đông Nam Á trong những năm tới, để quảng bá hình ảnh dịch vụ bảo vệ an ninh của Việt Nam.


Trong khi đó, Đỗ Thế Quốc khi mới tới thành phố Hồ Chí Minh, anh kiếm việc tại một công ty vệ sinh nhà cửa và được thăng chức quản lý. Quốc là một người tham vọng, với sự nhạy bén kinh doanh sắc sảo. Sau khi thất bại vì không thuyết phục được sếp mình mở rộng thị trường ra các thành phố lân cận, anh xin nghỉ việc và bắt đầu hoạt động kinh doanh riêng từ đó. Lúc đầu, mọi chuyện không được suôn sẻ. Với ngân sách ít ỏi, việc tìm kiếm nhân viên và khách hàng trở nên khó khăn nhất. Anh Quốc tìm đến với các dịch vụ quảng cáo trực tuyến giống như một phép màu, hiện nay, sau ba năm hoạt động, công ty Nhà Việt đã mở rộng dịch vụ ra thêm vệ sinh khu công nghiệp, và xây dựng một hệ thống khách hàng ở ba thành phố lớn.


Cách đây bốn năm, doanh nhân Nguyễn Minh Phúc đang ở tình cảnh cùng đường, kinh doanh thất bại ở cả hai lĩnh vực đầu tư, khiến anh lâm vào nợ nần. Phúc đã lấy lại tinh thần với ý chí kinh doanh nhạy bén – và xây dựng một mô hình kinh doanh khác, www.thanhlyhangcu.com, một dịch vụ mua, tân trang, và bán lại các đồ đạc đã qua sử dụng và kho lưu trữ văn phòng tại chính mảnh đất Sài Gòn phồn hoa nơi anh lớn lên.


Phá sản và nợ nần chồng chất, Phúc cần một nguồn thu nhập nên anh quay lại với công việc kỹ sư máy tính với mức lương 400USD/ tháng, không thể giúp cho anh sớm trả hết nợ. Phúc đã nghĩ ra ý tưởng mua lại những đồ đạc đã qua sử dụng, tân trang lại rồi bán đi.


Thanh Lý Hàng Cũ bắt đầu chỉ với hai mươi mét vuông không gian văn phòng. “Chi phí vừa phải, giao diện thân thiện người dùng, và dịch vụ nhanh chóng là những lợi thế chính của họ,” anh cho biết, và cũng chia sẻ 95% lợi nhuận kinh doanh thu về từ quảng cáo trực tuyến.


Xuất phát điểm từ những khách hàng nhỏ lẻ như các hộ gia đình và đơn vị kinh doanh phá sản, hiện công ty là doanh nghiệp thu mua đồ đạc chính của các nhà hàng lớn và khách sạn 5 sao ở thành phố Hồ Chí Minh, trong đó có khách sạn Sofitel và Lotte Legend. Để thu mua đồ đạc trên cả nước, công ty có một đội xe tải và một nhà xưởng với diện tích hơn 3,000m2. Phúc cũng mong muốn có thể mở rộng thêm hoạt động kinh doanh của mình, gần đây công ty đã mở thêm văn phòng đại diện tại Hà Nội, Vũng Tàu và Cần Thơ.


Những doanh nghiệp nhỏ chính là xương sống của nền kinh tế Việt Nam


Theo bà Lại Việt Anh, Trưởng phòng pháp chế – Cục Thương mại điện tử – Bộ Công thương,Việt Nam đang có tỷ lệ truy cập Internet đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN, sau Singapore và Malaysia. Cả nước đã có 39% dân số đã có truy cập Internet, 92% trong số đó sử dụng Internet hàng này. “Họ chính là những khách hàng tiềm năng của các doanh nghiệp thương mại điện tử”, bà Việt Anh nhấn mạnh.


Theo số liệu của Cục TMDT, doanh số của ngành thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam trong năm 2013 đạt 2,2 tỷ USD (tương 40 nghìn tỷ đồng), và dự kiến trong năm 2015 đạt 4 tỷ USD. Con số này quả thật còn quá khiêm tốn so với doanh số ngành thương mại điện tử bán lẻ của Trung Quốc với 181 tỷ USD 2013. Hiện tại 100% doanh nghiệp vừa và nhỏ đã tiếp cận tới Internet, nhưng chỉ có 42% trong số đó sử dụng website để quảng bá về mình. Tuy vậy, bà Việt Anh tỏ ra lạc quan và cho rằng doanh số thương mại điện tử Việt Nam trong thời gian tới sẽ phát triển và vượt một số nước trong khu vực ASEAN.


Tuy nhiên, ngành thương mại điện tử Việt Nam đang có nhiều trở ngại lớn, trong đó vấn đề lớn nhất đó là hình thức thanh toán. Hiện tại phương thức thanh toán truyền thống là tiền mặt vẫn là sự lựa chọn phổ biến của các kênh bán lẻ trực tuyến, đặc biệt là đối với những doanh nghiệp nhỏ và vừa.


Từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước, bà Việt Anh cho rằng các DNVVN có nhiều hạn chế trong hoạt động, điển hình như việc nắm được khung pháp lý nhà nước.


Tháng 5, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình Phát triển Thương mại Điện tử Quốc gia từ năm 2014 đến năm 2020 với nhiều nhóm chương trình và giải pháp để thúc đẩy ứng dụng thương mại điện tử, trong đó có xây dựng, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật cho thương mại tử, bao gồm hệ thống thanh toán thương mại điện tử, logistics, hệ thống thanh toán tích hợp…


Bà Việt Anh cho biết chương trình sẽ cónhững giải pháp rất tốt đối với những doanh nghiệp nhỏ và vừa, như bán hàng trực tuyến, giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa xây dựng website của mình với khẩu hiệu “Bán hàng qua mạng ngay trong 30 giây”, hay là người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam…


Đánh giá về tiềm năng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, ông James McClure, Giám đốc Quốc gia, các thị trường mới nổi khu vực Nam & Đông Nam Á, Google khu vực Châu Á Thái Bình Dương cho biết, “Những doanh nghiệp nhỏ chính là xương sống của nền kinh tế Việt Nam, chiếm tỉ lệ 97% số lượng doanh nghiệp và đóng góp 47% GDP – họ là nền tảng quan trọng của tương lai nước nhà. Google tin rằng với sự giúp đỡ của kỹ thuật công nghệ, chúng ta có thể đem lại những giải pháp kinh doanh cho các doanh nghiệp nhỏ, giúp họ cạnh tranh với các thương hiệu lớn ở thị trường toàn cầu”.


Khôi Linh


Xem thêm :hoạt động kinh doanh, google, hồ chí minh, bảo vệ, việt anh, đơn vị kinh doanh quảng cáo trực tuyến, hà nội, internet, việt nam, hà nam, cá kho, thành lập công ty




Sức mạnh số – Dân trí điện tử – Dantri.com.vn



Thương mại điện tử Việt và những câu chuyện “từ làng ra phố”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét